Enter your keyword

Tổng quan về viêm phổi bệnh viện và viêm phổi thở máy

1. Định nghĩa

Theo Hướng dẫn năm 2016 của Hội Lồng ngực Mỹ (The American Thoracic Society) và Hội Bệnh nhiễm trùng Mỹ (Infectious Diseases Society of America).
– Viêm phổi bệnh viện (VPBV) là viêm phổi xuất hiện sau khi vào viện 48 giờ mà không có biểu hiện hoặc ủ bệnh tại thời điểm vào viện.
– Viêm phổi liên quan thở máy (VPLQTM) là viêm phổi xuất hiện sau khi đặt ống nội khí quản 48 giờ.
– Viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy được coi là hai nhóm bệnh riêng biệt.
– Hiện nay viêm phổi liên quan đến chăm sóc y tế không được coi là viêm phổi bệnh viện.

2. Dịch tễ

Viêm phổi liên quan đến thở máy

a. Tỉ lệ mắc bệnh

-Trên thế giới

+ Ở Mỹ và các nước phát triển:

+ Trong giai đoạn từ 1998 đến 2003, tỉ lệ viêm phổi liên quan thở máy ở Mỹ và các nước phát triển từ 9 đến 27%.

+ Các dữ liệu gần đây cho thấy tỉ lệ mắc viêm phổi liên quan thở máy khoảng 10%, và không giảm hơn so với các thập kỉ trước.

+ Viêm phổi bệnh viện nhìn chung không nặng bằng so với viêm phổi thở máy, khoảng 52% số bệnh nhân có các biến chứng nặng (suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy thận).

+ Nghiên cứu phân tích gộp của Muscedere (2010) nhận thấy tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân có viêm phổi liên quan thở máy là 33,5% so với nhóm bệnh nhân không bị viêm phổi là 16,0%.

+ Ở các nước đang phát triển: theo một nghiên cứu phân tích gộp từ 220 công trình nghiên cứu trong thời gian 1995 đến 2008 về nhiễm trùng bệnh viện tại các nước đang phát triển, tỷ lệ viêm phổi liên quan thở máy là 19,8% – 48,0% với tần suất trung bình là 56,9/1000 ngày thở máy. Khu vực Đông Nam Á:

+ Tại Thái Lan, theo nghiên cứu của Unahalekhaka (2007) tần suất viêm phổi thở máy là 8,3/1000 ngày thở máy.

+ Tại Malaysia, một nghiên cứu tổng hợp tại 37 khoa hồi sức tích cực năm 2010, thấy tần suất viêm phổi thở máy trung bình là 10,1/1000 ngày thở máy.

Ở Việt Nam

Tình hình viêm phổi liên quan thở máy có thay đổi tùy vào các bệnh viện và giai đoạn:

+Trong giai đoạn từ 2004 – 2010: tỉ lệ viêm phổi liên quan thở máy tại các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác là 21,3% – 64,8%.

+ Trong giai đoạn từ 2011 – 2015: tỉ lệ viêm phổi liên quan thở máy tại khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai,
Chợ Rẫy và BV Nhân dân Gia Định là 30,0 – 55,3%. Tần suất viêm phổi liên quan thở máy ở Khoa Hồi sức tích cực Bạch Mai năm 2015 là 24,8/1000 ngày thở máy.

b. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy gồm: tuổi cao (> 55 tuổi), bệnh mạn tính, hít phải, phẫu thuật bụng/hoặc ngực, đang có catheter tĩnh mạch hoặc catheter theo dõi áp lực nội sọ liên tục, tăng pH dịch dạ dày (dùng ức chế bơm proton, kháng H2 hoặc kháng a-xít), dùng kháng sinh kéo dài đặc biệt phổ rộng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, thay dây dẫn khí máy thở thường xuyên, đa chấn thương, liệt, suy dinh dưỡng, suy thận mạn tính.

Thời gian thở máy cũng là yếu tố quan trọng liên quan đến viêm phổi. Thời gian thở máy càng ngắn, tỉ lệ viêm phổi càng thấp. Cai thở máy sớm, sử dụng thở máy không xâm nhập đã chứng minh được là có vai trò làm giảm tỉ lệ VPLQTM.

c. Căn nguyên vi sinh vật và đề kháng kháng sinh

Trong hướng dẫn này chúng tôi chỉ xem xét căn nguyên vi khuẩn, căn nguyên nấm, sẽ được xem xét trong “Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn“ được ban hành đồng thời hướng dẫn này.

– Trên thế giới

Viêm phổi bệnh viện

Năm 2009 – 2010, theo báo cáo của CDC, trong số 8474 trường hợp viêm phổi liên quan thở máy tại Mỹ, các căn nguyên vi khuẩn thường gặp là: Staphylococcus aureus (24,1%), Pseudomonas aeruginosa (16,6%), Klebsiella species (10,1%), Entero-bacter species(8,6%), Acinetobacter baumannii (6,6%) và Escherichia coli (5,9%).

Nghiên cứu phân tích gộp của Jones, tổng hợp các nghiên cứu ở châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ La tinh trong giai đoạn từ 1997 đến 2008 thấy rằng các vi khuẩn hay gặp nhất gây viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy là Staphylococcus aureus (28,0%), tiếp theo là Pseudomonas aeruginosa (21,8%), Klebsiella species (9,8%), Escherichia coli (6,9%) và Acinetobacter species (6,8%).

Theo nghiên cứu của Djordjevic tại Serbia (2017), căn nguyên gây viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy thường gặp nhất ở các khoa Hồi sức là Acinetobacter spp Pseudomonas aeruginosa, chiếm trên 60%.

– Ở Việt Nam

Các nghiên cứu tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy nhận thấy tác nhân gây viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy thường gặp là các vi khuẩn Gram âm.