Dự phòng viêm phổi bệnh viện và viêm phổi thở máy
Contents
1. Huấn luyện đào tạo dự phòng viêm phổi bệnh viện/ viêm phổi liên quan thở máy
– Đào tạo, cập nhật các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát viêm phổi bệnh viện/viêm phổi liên quan thở máy cho nhân viên y tế, học sinh và sinh viên thực tập.
– Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện/viêm phổi liên quan thở máy cho người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân.
2. Giám sát
– Giám sát định kỳ tình hình viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan thở máy tại đơn vị điều trị: xác định tỉ lệ viêm phổi bệnh viện tính theo số người bị viêm phổi bệnh viện/100 ngày nằm viện và tỉ lệ viêm phổi liên quan thở máy/1000 ngày thở máy; xác định các tác nhân gây bệnh và độ nhạy cảm kháng sinh; đánh giá hiệu quả điều trị. Phản hồi các kết quả giám sát cho lãnh đạo bệnh viện, hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và khoa, phòng thực hiện giám sát.
– Giám sát mức độ tuân thủ của nhân viên y tế đối với các biện pháp phòng ngừa dựa theo các bảng kiểm.
3. Khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ hỗ trợ hô hấp
a. Các dụng cụ liên quan đến máy thở và các dụng cụ hỗ trợ hô hấp
– Tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn mức độ cao tất cả các dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với niêm mạc 40 đường hô hấp dưới theo đúng hướng dẫn về khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ đã được quy định.
– Các vật tư tiêu hao dùng trong thở oxy (dây dẫn oxy, mặt nạ, hoặc gọng kính oxy…) chỉ dùng một lần, không khử
khuẩn lại để dùng cho người khác.
– Khử khuẩn, tiệt khuẩn mức độ cao bình làm ẩm oxy.
– Khử khuẩn thường quy bên ngoài máy thở bằng dung dịch khử khuẩn mức độ trung bình. Bảo dưỡng, khử khuẩn định kỳ máy thở theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Khử khuẩn mức độ cao bóng bóp (ambu) sau khi sử dụng.
– Với dụng cụ khí dung: sau khi tiến hành khí dụng cho bệnh nhân các dụng cụ dùng lại phải được khử khuẩn mức độ cao. Chỉ sử dụng các dung dịch vô khuẩn để khí dụng cho bệnh nhân. Động tác rót dịch vào bầu chứa dịch của máy khí dung cũng phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn. Với các lọ thuốc dùng nhiều lần, thao tác lấy dịch và bảo quản phải thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
b. Dụng cụ liên quan đến máy gây mê
– Bảo dưỡng, làm sạch, tiệt khuẩn các thành phần của máy gây mê theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Khử khuẩn hệ thống của máy gây mê bao gồm; dây thở, buồng và chất hấp thu CO2, bóng thở, đường ống và bộ phận làm ẩm, van hạn chế áp lực và các bộ phận phụ khác (mặt nạ, bóng dự trữ, bộ phận làm ẩm) sau khi dùng cho người bệnh.
4. Các biện pháp nhân viên y tế phải thực hiện
– Vệ sinh bàn tay: tuân thủ quy định của tổ chức y tế thế giới về 5 thời điểm cần phải rửa tay.
– Trước khi chạm vào bệnh nhân.
– Trước các thủ thuật sạch và vô trùng.
– Sau khi phơi nhiễm với dịch cơ thể của bệnh nhân.
– Sau khi chạm vào bệnh nhân.
– Sau khi tiếp xúc vào môi trường xung quanh bệnh nhân.
– Mang găng tay.
– Mang găng tay khi tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp hoặc các dụng cụ có dính chất tiết đường hô hấp. Phải mang găng tay vô khuẩn khi hút đờm qua ống nội khí quản hoặc ống mở khí quản trong trường hợp không sử dụng hệ thống hút đờm kín.
– Thay găng tay và vệ sinh bàn tay giữa các lần tiếp xúc với người bệnh, sau khi tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp hoặc các dụng cụ có dính chất tiết đường hô hấp, sau khi dẫn lưu, đổ nước trong dây máy thở hoặc bẫy nước.
– Các phương tiện phòng hộ khác: nên mặc áo choàng khi dự đoán có thể bị dính chất tiết đường hô hấp của người bệnh, thay áo choàng sau khi tiếp xúc và trước khi tiếp xúc với người bệnh khác. Mang khẩu trang, kính bảo vệ mặt hoặc kính bảo vệ mắt trong các trường hợp có nguy cơ bị văng bắn máu hoặc dịch tiết lên mắt mũi miệng