Cách điều trị đột quỵ (tai biến mạch máu não) tại bệnh viện
Điều trị đột quỵ não tại bệnh viện cần khẩn trương, nhanh chóng. Đảm bảo điều kiện sinh tồn, kết hợp chẩn đoán chính xác thể đột quỵ để xử trí cho bệnh nhân là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu.
Mục tiêu Điều trị đột quỵ tại bệnh viện là cứu sống người bệnh và giảm tối đa các biến chứng có thể xảy ra
Contents
1. Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một tình trạng tổn thương một vùng não do không có máu nuôi dưỡng, dẫn tới rối loạn chức năng tương ứng do vùng não đó đảm nhiệm. Các tế bào não vùng đó sẽ chết nhanh chóng sau vài phút thiếu oxy. Bởi vậy, có tài liệu mô tả đột quỵ não là chết tế bào não !
Nguyên nhân có thể do:
+ Dị dạng mạch não, tăng huyết áp… làm vỡ mạch máu não , không có máu tới vùng não do mạch máu đó nuôi dưỡng ( Đột quỵ thể xuất huyết não)
+ Cục máu đông trong lòng mạch máu não, làm tắc nghẽn đường đi của máu, cũng gây không có máu tới vùng não do mạch máu đó nuôi dưỡng ( Đột quỵ thể nhồi máu). Cục máu đông này có thể hình thành tại chỗ nhồi máu hoặc di chuyển từ nơi khác tới gây tắc nghẽn. Cũng xảy ra hiện tượng đột quỵ não khi mạch máu mới bị hẹp nhiều mà chưa chưa tắc hẳn.
2. Chẩn đoán đột quỵ
Đây là một cấp cứu. 3 giờ đầu kể từ khi đột quỵ là khoảng thời gian vàng để điều trị cứu bệnh nhân đột quỵ não . Bởi vây, chẩn đoán tại bệnh viện cần tiến hành hành trương, nhanh chóng.
a.Triệu chứng
Nhận định, chẩn đoán sơ bộ dựa trên quan sát trực tiếp từ bệnh nhân và mô tả triệu chứng từ người nhà, bao gồm một số dấu hiệu điển hình:
- Giảm hoặc mất vận động: Bệnh nhân đang đứng thì bị choáng ngất, đang cầm bát thì làm rơi…
- Ngôn ngữ: Bệnh nhân đang nói bình thường thì ú ới, nói ngọng , hoặc không nói được, ..
- Cảm giác chóng mặt , chao đảo, buồn nôn…
- Cảm giác rối loạn thân nhiệt: Đột ngột cảm thấy lúc nóng lúc lạnh…
- Rối loạn cảm giác: Đột ngột tê nửa người, mất cảm giác, cảm giác nửa người biến mất…
b. Các thăm dò hỗ trợ chẩn đoán:
– Phân biệt bệnh nhân đột quỵ thể nhồi máu hay thể xuất huyết , từ đó có thể xử lý chính xác. Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ sọ não là 2 phương pháp chẩn đoán. Tùy từng trường hợp mà lựa chọn phương pháp phù hợp.Chụp cắt lớp vi tính – Chụp CT sọ : Tiến hành đầu tiên, giúp phân biệt 2 thể và phát hiện bất thường khác ( nếu có). Tuy nhiên, độ nhạy không cao,nhất là trong 12h đầu.
- Chụp MRI sọ (chụp cộng hưởng từ sọ não): Độ nhạy cao hơn nhưng đắt hơn.
– Các xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm đông máu…giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh tim mạch của bệnh nhân
– Siêu âm mạch cảnh để phát hiện và đánh giá tình trạng vữa xơ.
– Chụp động mạch não nếu nghi ngờ dị dạng mạch não hay tách thành động mạch não,thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ còn trẻ tuổi.
3 . Điều trị tai biến mạch máu não
Cấp cứu đảm bảo điều kiện sống còn cho bệnh nhân rồi xử lý tình trạng đột quỵ. Dưới đây là quy trình cấp cứu từ lúc bệnh nhân vào viện:
a. Điều trị cấp cứu chung
– Bảo đảm thông khí
– Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn: (Nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, tri giác…) để có biện pháp xử trí thích hợp kịp thời.
– Làm ngay các xét nghiệm cơ bản: (Xquang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim, các xét nghiệm sinh hoá, huyết học, đông máu…) để đánh giá tình trạng chung cũng như các bệnh phối hợp khác của bệnh nhân.
– Chỉ định chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ sọ não ngay khi có thể để chẩn đoán phân biệt xuất huyết não hay nhồi máu não.
– Chống phù não (nếu có):
– Kiểm soát huyết áp
- Với các bệnh nhân xuất huyết não, khi huyết áp tăng cao (HA > 200/120mmHg) hạ huyết áp là cần thiết. Không nên hạ HA nhanh quá.
- Với các bệnh nhân nhồi não nên duy trì huyết áp ở mức 150/90mmHg.
– Chăm sóc toàn diện: Bảo đảm dinh dưỡng, chống loét, điều chỉnh nước, điện giải, đường máu, chống nhiễm trùng, điều trị phục hồi chức năng sớm …
b. Xử trí bệnh nhân nhồi máu não:
– Điều trị đột quỵ thể nhồi máu đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối (t-PA ) : chỉ dùng khi bệnh nhân tới sớm trong vòng 3 giờ đầu, không có xuất huyết, rối loạn đông máu, tiểu cầu > 100.000/ml …
-Thuốc chống đông và các thuốc ức chế tiểu cầu :
- Cấp cứu dùng Aspirin.
- Phòng đột quỵ thứ cấp: Aspirin hoặc Clopidogrel hoặc Aspirin + dipyridamole , Kháng vitamin K wafarin (INR = 2,5), Dabigatran 150 mg
– Nếu bệnh nhân có xơ vữa động mạch : statin mạnh
– Tất cả bệnh nhân dùng thuốc hạ huyết áp.
c. Xử trí bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não
Điều trị đột quỵ bằng phẫu thuật trong trường hợp khối máu tụ lớn gây chèn ép và tiến triển ngày càng nặng. Các trường hợp khác còn đang tranh cãi.
Thiếu máu não cục bộ muộn có thể xảy ra khoảng 2 tuần sau. Phòng và giảm mức độ nghiêm trọng bằng các thuốc chẹn kênh calci , ví dụ nimodipine và duy trì thể tích nội mạch, điều trị tăng huyết áp.
4. Biến chứng đột quỵ não
Sau khi cấp cứu điều trị đột quỵ, một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân có thể hồi phục. Đa số bệnh nhân gặp phải các dạng biến chứng từ nhẹ tới nặng. Một số bệnh nhân tử vong.
Những biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải là:
- Hôn mê
- Liệt: liệt một phần cơ thể hay liệt nửa người, …
- Không kiểm soát đại tiểu tiện.
- Mất , giảm khả năng ngôn ngữ: khó nói, nói ngọng …
- Biến chứng do nằm lâu: Bội nhiễm vi khuẩn , sang chấn tâm lý, suy giảm trí nhớ,…
Bệnh nhân cần kiên trì đều đặn luyện tập phục hồi chức năng đến khi các di chứng được phục hồi.