Tăng huyết áp là gì – Nguyên nhân, Triệu Chứng, Cách Phòng Ngừa
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm và ngày càng phổ biến, trẻ hóa. Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu cần kiểm soát tốt của đột quỵ não và nhồi máu cơ tim.
Bài viết cung cấp cho bệnh nhân khái niệm tăng huyết áp, nguyên nhân, biến chứng có thể gặp và hướng điều trị bệnh theo hướng dẫn của bộ y tế Việt Nam. Khi bệnh nhân hiểu rõ và phối hợp tốt với bác sĩ điều trị sẽ đạt hiệu quả kiểm soát bệnh cao nhất.
Contents
1.Tăng huyết áp là gì?
Nếu huyết áp của bạn vượt ngưỡng, bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần điều trị!
Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch. Huyết áp thay đổi theo nhịp tim, sự co mạch và thể tích máu lòng mạch…
Đo huyết áp động mạch. Có hai trị số huyết áp, ví dụ 140/90 mmHg. Trong đó 140 mmHg là huyết áp tâm khi tim co bóp. 90 mmHg là huyết áp tâm trương khi tim giãn ra. Bình thường, người trưởng thành, huyết áp sẽ dưới 120/80 mmHg.
Khi huyết áp từ (120-139 ) / (80-89) bạn vãn chưa được gọi là tăng huyết áp, nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao. Tăng huyết áp ở người trưởng thành khi trị số huyết áp là 140/90 mgHg hoặc hơn. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, huyết áp của bạn tốt nhất là dưới 130/80 mmHg.
Huyết áp có thể thay đổi trong ngày, và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như căng thẳng, vận động thể lực ….Do đó cần phải đo huyết áp vài lần trong một khoảng thời gian trước khi khẳng định bạn có tăng huyết áp.
2. Cách đo trị số huyết áp
Huyết áp đo tại phòng khám mới là tiêu chuẩn để chẩn đoán và phân loại tăng huyết áp
Lưu ý khi đo huyết áp:
- Nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút trước khi đo.
- Không uống cà phê, rượu bia hay hút thuốc trong vòng 2 giờ.
- Tư thế đo chuẩn.
Bạn có thể sử dụng máy đo huyết áp điện tử để tự đo và theo dõi huyết áp tại nhà.
3.Nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp?
Khoảng 90-95 % các trường hợp bị tăng huyết áp là không có nguyên nhân.Bệnh thường liên quan tới: Thừa cân béo phì, thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ít vận động thê lực và stress
Nguy cơ tăng lên theo tuổi và có xu hướng di truyền .
< 10% tăng huyết áp là hậu quả của một bệnh khác. Bao gồm bệnh mạch thận, viêm cầu thận, một số bệnh nội tiết, tim mạch. Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén, do stress quá mức…..
4. Triệu chứng Tăng huyết áp.
Bệnh thường không có triệu chứng gì. Một số người có thể gặp triệu chứng từ nhẹ như nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, mất ngủ … tới nặng như đau vùng tim, giảm thị lực, thở nhanh, mặt đỏ bừng tái xanh, nôn, hồi hộp, hốt hoảng…
Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp là đo huyết áp. Bác sỹ hoặc nhân viên y tế đo huyết áp cho bạn.
5.Biến chứng có thể gặp của tăng huyết áp
Tăng huyết áp không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận … thậm chí dẫn đến tử vong .
6. Điều trị tăng huyết áp như thế nào?
Ở bệnh nhân tăng huyết áp, điều chỉnh lối sống bằng chế độ ăn uống và luyên tập có vai trò vô cùng quan trọng. Tùy mức độ tăng huyết áp và yếu tố nguy cơ tim mạch ( được bác sĩ đánh giá) mà bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kiểm soát lối sống đơn độc hay phải kết hợp dùng thuốc.
a. Chế độ ăn uống và luyện tập cho người tăng huyết áp
- Ăn nhạt, không quá 1 muỗng cà phê muối một ngày. Muối này từ tính từ tất cả mọi nguồn: muối nên thức ăn, nước chấm, đồ uống… Thận trọng với đồ ăn nhanh và viên sủi, chúng chứa một lượng Na rất nhiều!
- Hạn chế đồ ngọt.
- Hạn chế ăn mỡ động vật và các chất béo no như fomat… Khuyên dùng dầu ô- liu, dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương.
- Nên ăn nhiều đạm nguồn gốc từ cá, và thực vật.
- Nên ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp viatmin, chất khoáng, và chất xơ.
- Bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động. Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
- Giảm cân nếu thừa cân béo phì. Chỉ số BMI lý tưởng là 18.5 – dưới 23.
– Rèn luyện cơ thể bằng cách tập thể dục đều đặn, ít nhất 45 phút mỗi ngày, và 3 lần trong một tuần. - Sống lạc quan, vui vẻ, tránh lo âu hay thay đổi cảm xúc thất thường
b.Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc
– Đích huyết áp khi dùng thuốc là do bác sĩ quyết định. Thông thường thì nên dưới 140/90 mmHg. Nếu bạn đã có biến chứng tim mạch, đái tháo đường hoặc suy thận thì cần hạ dưới 130/80 mmHg.
– Có 5 nhóm thuốc được khuyên ưu tiên lựa chọn:
- Lợi tiểu : Thiazid, Furosemid, Spironolacton …
- Chẹn beta giao cảm: Atenolol, Bisoprolol, Carvedilol …
- Chẹn kênh calci: Amlodipin, Nifedipin, Felodipin, Diltiazem, Verapamil …
- Ức chế enzym chuyển dạng angiotensin (ACEI): Captopril, Enalapril, Perindopril …
Chẹn thụ thể của angiotensin : Valsartan, Telmisartan …
– Liều dùng thuốc được điều chỉnh để đạt được đích huyết áp mong muốn.
– Bệnh nhân uống thuốc đúng, đủ liều và đủ thời gian đồng thời theo dõi để phát hiện biến chứng bệnh cũng như tác dụng không mong muốn của thuốc .
– Bác sĩ điều trị tăng liều tối ưu hoặc thêm thuốc nếu 1 thành phần không kiểm soát được huyết áp.