Enter your keyword

Hồi sức hô hấp cho trẻ sơ sinh

1. Hồi sức hô hấp cho trẻ

Hồi sức hô hấp cho trẻ

Chương này hướng dẫn hồi sức trẻ có bất thường hô hấp và không dùng hồi sức trẻ ngay sau sinh (tham khảo thêm chương trình hồi sức sơ sinh tại phòng sinh)

a. Dụng cụ

• Bóng hồi sức tự phòng kích cỡ trẻ sơ sinh (bóng cho trẻ lớn có thể sử dụng nếu bóng dành cho sơ sinh không có, và phải kiểm soát áp lực phù hợp).

• Mặt nạ sơ sinh (cỡ 0 cho trẻ nhỏ [< 2,5kg hoặc nhỏ hơn 37 tuần thai], cỡ 1 cho trẻ bình thường).

• Thiết bị hút đàm.

• Nguồn oxy.

b. Phương pháp

• Dụng cụ cần thiết.

• Rửa tay.

• Đảm bảo dụng cụ hoạt động tốt bằng cách ấn chặt lòng bàn tay vào mặt nạ và bóp bóng:
– Nếu bạn cảm thấy có áp lực chống lại, bóng có áp lực thích hợp;
– Nếu bóng phồng lên khi bạn tháo khỏi khe, bóng hoạt động tốt.

• Quấn giữ ấm trẻ, trừ mặt và ngực trên.

• Đặt trẻ nằm ấm nơi có đèn sưởi.

c. Thông đường thở

• Tư thế trẻ:
– Đặt trẻ nằm ngửa;
– Đầu trẻ ngửa nhẹ để mở đường thở. Đặt một cuộn vải dưới vai trẻ để ngửa cổ.

• Nếu có đàm nhớt hoặc ọc, thì hút sạch miệng sau đó mũi. Không hút sâu vùng hầu họng vì có thể làm giảm nhịp tim.

• Nếu trẻ vẫn ngừng thở, cần thông khí với bóng và mặt nạ giúp thở.

d. Thông khí với bóng và mặt nạ

• Kiểm tra lại tư thế trẻ và đảm bảo cổ trẻ ngửa nhẹ.

• Bóng và mặt nạ cần phải áp sát:
– Mặt nạ áp trên mặt trẻ cần bao phủ cằm, miệng, và mũi;
– Áp kín mặt nạ lên mặt trẻ;
– Bóp bóng với 2 ngón tay (bóng cỡ lớn) hoặc cả bàn tay (bóng sơ sinh);
– Bóp bóng 2 lần liên tiếp để kiểm tra độ kín giữa mặt nạ và mặt trẻ và quan sát sự di động của lồng ngực.

• Khi mặt nạ được áp kín và ngực di động, bắt đầu thông khí với oxy. Nếu không cung cấp kịp thời nguồn oxy, vẫn bắt đầu với khí trời.

• Đảm bảo tần số bóp (khoảng 40 lần/phút) và áp lực trong lúc giúp thở:
– Nếu ngực trẻ nâng, áp lực thông khí có thể đủ;
– Nếu ngực trẻ không nâng:
+ Kiểm tra và điều chỉnh đúng tư thế trẻ;
+ Đặt lại mặt nạ để đảm bảo áp kín;
+ Bóp bóng mạnh hơn để tăng áp lực thông khí.

• Bóp bóng 1 phút và sau đó tạm ngưng, xác định nhanh trẻ có tự thở được không:
– Nếu trẻ tự thở với tần số bình thường (30-60 lần/phút), ngừng thông khí hỗ trợ;
– Nếu trẻ tím trung ương (xanh tái môi và lưỡi), ngực không nhấp nhô, hoặc tiếng rên thì thở ra, hoặc thở yếu 20-30 lần/phút hoặc nhanh trên 60 lần/phút xem bài “Sơ Sinh Thở Khó ”;
– Nếu trẻ thở hước hoặc ngừng thở, hoặc thở yếu dưới 20 lần/phút, cần tiếp tục thông khí giúp thở.

Nếu trẻ bắt đầu khóc, ngừng thông khí giúp thở, quan sát nhịp thở trong 5 phút khi trẻ ngừng khóc:
– Nếu trẻ tự thở với tần số bình thường (30-60 lần/phút), ngừng thông khí hỗ trợ;
– Nếu trẻ tím trung ương (xanh tái môi và lưỡi), ngực không nhấp nhô, hoặc tiếng rên thì thở ra, hoặc thở yếu 20-30 lần/phút hoặc nhanh trên 60 lần/phút, xem bài “Sơ Sinh Thở Khó”; tiếp tục thông khí giúp thở.

• Nếu trẻ thở không đều sau 20 phút thông khí:
– Tiếp tục thông khí giúp thở với oxy;
– Đặt nội khí quản giúp thở, nếu được;
– Lập đường truyền, nếu trẻ chưa có, và bắt đầu bù dịch cho trẻ 10 ml/kg khoảng 10 phút, sau đó duy trì dịch truyền theo ngày tuổi;
– Đặt sonde dạ dày để giải áp dịch và khí;
– Chuyển viện, đến trung tâm chuyên sâu hơn.

Nếu trẻ không thở hước; không ngừng thở sau 20 phút thông khí giúp thở, hoặc thở hước nhưng không ngừng thử sau 30 phút  thống khí, ngừng thông khí hỗ trợ.

2. Chăm sóc sau hồi sức thành công

Chăm sóc sơ sinh sau hồi sức hô hấp

• Giữ ấm trẻ đến khi tình trạng ổn định.

• Theo dõi nhịp thở và quan sát những dấu hiệu bệnh lý khác mỗi giờ trong 4 giờ sau đó mỗi 2 giờ trong 24 giờ tiếp theo.

Nếu có những dấu hiệu thở khó trở lại (nhịp thở > 60 lần/phút kéo dài hoặc <30 lần/phút, tím trung ương, ngừng thở, hoặc thở rên), cần điều trị khó thở.