Điều trị các trường hợp nôn ói hoặc chướng bụng đặc biệt
Contents
1. Viêm ruột thừa hoại tử.
• Nhịn ăn, lập đường truyền tĩnh mạch, cho dịch nuôi ăn theo tuổi và cân nặng, nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài 1 đến 2 tuần tùy diễn tiến và mức độ nặng của bệnh.
• Điều trị nhiễm trùng với kháng sinh phổ rộng bao vây vi trùng gram âm, gram dương, và vi trùng yếm khí.
• Đặt sonde dạ dày, và dẫn lưu dạ dày liên tục.
• Nếu thành bụng nề đỏ, khám đau, hoặc bụng chướng căng nhiều, nguy cơ có thủng ruột, cần xử trí cấp cứu và chuyển viện đến nơi có khả năng phẫu thuật sơ sinh.
• Theo dõi thiếu máu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu và toan máu hàng ngày, để điều chỉnh kịp thời. X-quang bụng thẳng và nghiêng mỗi 8 đến 12 giờ trong giai đoạn nặng và sau đó mỗi 24 giờ.
• Tiểu cầu tiếp tục giảm, toan chuyển hóa tiếp diễn hoặc bụng chướng tăng dần mặc dù đã điều trị nội khoa tích cực là những cân nhắc điều trị ngoại khoa.
• Theo dõi trẻ sau 1 tuần, nếu không còn bụng chướng, dịch dạ dày sạch và trẻ không còn tiêu phân máu:
– Tập cho trẻ ăn sữa qua sonde, lượng nhỏ tùy theo tuổi thai và cân nặng, tăng dần;
– Khi đã ăn đủ sữa sau 48 giờ, dung nạp tốt, không ói, cho trẻ tập bú tăng dần. Nếu trẻ bú chậm hoặc bú yếu, cho ăn sữa bằng phương pháp thay thế.
• Đánh giá trẻ 24 giờ sau ngưng kháng sinh: Nếu nhịp tim và hô hấp ổn định trẻ không cần truyền dịch ít nhất 48 giờ, bú tốt, và trẻ không còn vấn đề gì cần nằm viện theo dõi, cho trẻ xuất viện.
• Điều trị các vấn đề của sinh non nhẹ cân.
2. Nghi ngờ bất thường dạ dày ruột hoặc tắc ruột.
• Lập đường truyền tĩnh mạch, cho dịch nhu cầu theo tuổi và cân nặng, bổ sung dịch mất do nôn ói.
• Đặt sonde dạ dày, cố định, và dẫn lưu dạ dày.
• Chuyển viện trẻ đến trung tâm có khả năng chuẩn đoán và phẫu thuật.
3. Nuốt máu mẹ.
• Nếu nôn ói do nuốt máu mẹ trong cữ bú (mẹ bị nứt núm vú):
– Quan sát khi mẹ cho bú. Đánh giá kỹ thuật cho bú đúng không và thay đổi nếu cần thiết;
– Nếu mẹ đau khi trẻ đang bú, khuyến khích mẹ:
+ Vắt một ít sữa mẹ để kích thích xuống sữa trước khi đưa trẻ vào cho bú;
+ Bắt đầu với bên vú ít bị đau, đến khi xuống sữa sau đó chuyển sang bên kia;
+ Vắt một ít sữa non lên trên 2 núm vú sau đó cho bú;
+ Để đầu vú thoáng sẽ mau lành tổn thương;
+ Nếu một bên vú bị nứt nặng, cho bú bên lành trong 2 hoặc 3 ngày chờ bên tổn thương hồi phục. Trong thời gian này, vắt sữa bên vú bị đau và cho trẻ ăn bằng thìa;
+ Nếu trẻ bú tốt, không còn vấn đề gì cần nằm viện, cho trẻ xuất viện.
• Nếu nôn ói do nuốt máu mẹ lúc sinh:
– Đặt sonde dạ dày và hút sạch;
– Cho trẻ bú hoặc ăn sữa bằng thìa nếu không bú được;
– Rút bỏ sonde dạ dày, sau 2 cữ bú tốt;
– Xuất viện nếu không còn vấn đề gì cần nằm viện theo dõi
4. Dạ dày bị kích thích.
• Cho trẻ tập bú. Nếu trẻ không bú được, cho ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng biện pháp thay thế.
• Nếu trẻ bú tốt sau hai cử hoặc ăn sữa bằng phương pháp thay thế tốt, trẻ không còn vấn đề gì cần nằm viện theo dõi, cho trẻ xuất viện.
• Nếu trẻ tiếp tục nôn ói nhiều trong 24 giờ, triệu chứng có thể do bất thường dạ dày – ruột:
– Lập đường truyền tĩnh mạch, cho dịch nhu cầu theo tuổi và cân nặng.
– Chuyển viện cấp cứu đến trung tâm có khả năng chuẩn đoán và phẫu thuật dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa.