Contents
Đại cương
Xơ vữa động mạch hay xơ cứng mạch là một dạng rối loạn thường gặp xảy ra khi chất béo, cholesterol và các thành phần khác tích tụ trong lòng động mạch, hình thành nên cấu trúc gọi là các mảng xơ vữa động mạch. Qua thời gian mảng bám này lớn dần làm cản trở sự lưu thông bình thường của dòng máu. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp… vừa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh vừa làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Xơ vữa động mạch là căn bệnh thường gặp, tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không làm xuất hiện các triệu chứng cảnh báo.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một hiện tượng bệnh lý nặng nề do nó gây ra nhiều biến chứng.
Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được
– Tuổi: Tổn thương xơ vữa dường như xuất hiện rất sớm và gia tăng theo tuổi. Tuổi ≥ 55, động mạch giảm khả năng đàn hồi, cứng động mạch do quá trình lão hoá, đây là một trong những yếu tố của xơ vữa động mạch.
– Giới tính: Nam có nguy cơ có xơ vữa cao hơn nữ (nam/nữ = 5/1). nhưng đến khi nữ giới ở tuổi tiền mãn kinh thì tỷ lệ bị xơ vữa động mạch giữa nam và nữ là ngang nhau.
– Đặc điểm di truyền: Tiền sử gia đình có bệnh tim mạch (bố – mẹ) cũng là một yếu tố nguy cơ cao.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
Các yếu tố nguy cơ do lối sống:
– Thuốc lá: Mỗi ngày ≥ 10 điếu sẽ gây tăng hoạt tính thần kinh giao cảm, gây co động mạch, giảm tính đàn hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho VXĐM.
– Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều acid béo bão hòa thì gây xơ vữa động mạch cao do làm gia tăng tỷ lệ LDL – Cholesterol.
– Uống rượu: Rượu làm gia tăng huyết áp và các triglycerid.
– Béo phì: Đánh giá dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI = Body mass index). những người có chỉ số khối lượng cơ thể ≥ 30. Bình thường BMI từ 20 – 25 ở nam và 19 – 24 ở nữ. Béo phì bệnh lý khi BMI > 40. Béo phì kiểu nam (vòng bụng > 102 cm ở nam và > 88 cm ở nữ) là có nguy cơ xơ vữa cao nhất.
– Sự hoạt động: Hoạt động của cơ thể đều đặn làm thay đổi các yếu tố nguy cơ (duy trì cân nặng bình thường, giảm hút thuốc lá và làm thay đổi chế độ ăn). Hoạt động còn làm giảm LDL – Cholesterol. Với những người ít hoạt động thể lực dễ bị xơ vữa động mạch hơn so với những người lao động…
– Các yếu tố tinh thần – xã hội: Căng thẳng thần kinh tâm lý: tăng xúc cảm, căng thẳng trong cuộc sống khi làm việc, mâu thuẫn kéo dài trong quan hệ gia đình và xã hội… bị xơ vữa động mạch với tỷ lệ cao hơn.
Các bệnh lý nguy cơ
– Đái tháo đường: Đái tháo đường type I và II đều phối hợp với sự gia tăng nguy cơ tim mạch. Đối với đái tháo đường type I, nguy cơ xuất hiện sớm trước 30 tuổi. Trong khi đái tháo đường type II thường kèm theo các yếu tố nguy cơ khác (tăng huyết áp, rối loạn lipide máu, béo phì).
– Rối loạn lipid máu: tăng cholesterol ≥ 5,5 mmol/l, tăng triglycerit ≥ 2,3 mmol/l, tăng VLDL và LDL, giảm HDL…
– Sự gia tăng LDL – Cholesterol và các triglycerid rất nguy hiểm. Sự gia tăng HDL- Cholesterol có tác dụng bảo vệ.
– Tăng huyết áp: Ảnh hưởng của tăng huyết áp trên tim mạch quan trọng nhất là mạch máu não. Tăng huyết áp (≥ 140/90 mmHg) lâu ngày kéo dài sẽ thúc đẩy VXĐM phát sinh, phát triển những biến chứng.
– Tăng nồng độ axit uric máu, gây tổn thương lớp nội mạc động mạch là cơ sở đầu tiên để phát triển mảng vữa.
Các yếu tố nguy cơ mới
– Tăng homocystein máu.
– Tăng fibrinogèn máu.
– Tăng protein C Rêactive (CRP).