HT STROKEND

Sinh ngạt và chăm sóc sơ sinh sau ngạt

1. Sinh ngạt.

• Nếu có co giật, điều trị ngay lập tức, tránh để diễn tiến xấu hơn.

• Điều trị bệnh lý thở khó nếu có.

• Phân độ sinh bị ngạt
– Mức độ ngạt nhẹ: trẻ tăng kích thích, hoặc tăng trương lực cơ, bú kém, nhịp thở bình thường hoặc nhanh. Những dấu hiệu này kéo dài 24 đến 48 giờ trước khi tự hết;
– Mức độ bị ngạt trung bình: trẻ thờ ơ hoặc ngủ lịm, ăn sữa không tiêu. Thỉnh thoảng có những cơn ngưng thở hoặc co giật trong vòng vài ngày. Những triệu chứng này tự hết trong vòng 1 tuần nhưng sự phát triển trí tuệ và vận động về sau có thể bị ảnh hưởng;
– Mức độ ngạt nặng: trẻ không tỉnh, mềm nhũn và không thể bú. Những cơn co giật xảy ra trong vài ngày, những cơn ngưng thở nặng và thường xuyên. Trẻ có thể cải thiện trong vài tuần hoặc không cải thiện, nếu sống sót, thường có tổn thương não vĩnh viễn.

• Nếu mức độ ngạt nhẹ:
– Nếu trẻ không cần oxygen, có thể cho bú sớm;
– Nếu trẻ cần oxygen, hoặc không thể cho bú, cho gavage sữa mẹ hoặc sữa thay thế sữa mẹ;
– Chăm sóc và theo dõi tiếp tục sau sinh bị ngạt.

• Nếu trẻ ngạt trung bình hoặc nặng:

+Thiết lập đường truyền tĩnh mạch, cho dịch nuôi ăn tĩnh mạch trong 12 đến 24 giờ đầu:
+ Hạn chế dịch 60 ml/kg cân nặng trong 24 giờ đầu và theo dõi lượng nước tiểu;
+ Nếu trẻ không tiểu hoặc tiểu ít hơn 6 lần mỗi ngày;
– Không tăng dịch thêm;
– Nếu tiểu nhiều, tăng thể tích dịch mỗi ngày theo, thường 60 – 100 ml/kg/ngày trong 3 ngày đầu, không quá 120ml/kg mỗi ngày.
– Khi đã kiểm soát co giật và dấu hiệu lâm sàng cải thiện, cho trẻ bú mẹ hoặc phương pháp thay thế.
– Chăm sóc theo dõi tiếp tục.

2. Chăm sóc sơ sinh tiếp tục sau khi bị ngạt.

• Đánh giá trẻ mỗi 2 giờ:
– Nếu nhiệt độ thay đổi < 36,5 °C hoặc > 37,5 °C, xử trí theo bài trẻ có rối loạn thân nhiệt;
– Điều trị co giật hoặc thở khó nếu có.

• Khuyến khích mẹ ôm ấp và âu yếm trẻ.

• Nếu trẻ không tỉnh, lơ mơ hoặc giảm trương lực cơ toàn thân, chăm sóc và di chuyển nhẹ nhàng, tránh tổn thương thêm, nhất là vùng đầu, cổ. Thực hiện phương pháp hạ thân nhiệt sớm trong 6 giờ đầu, nếu có điều kiện.

• Nếu trẻ không cải thiện sau 3 ngày, đánh giá trở lại các dấu hiệu của nhiễm trùng.

Nếu trẻ không cải thiện sau 1 tuần (trẻ không bú được hoặc bú kém, tiếp tục lơ mơ, hoặc vẫn còn những cơn co giật) và không cần điều trị tiếp tục tại bệnh viện, thảo luận với gia đình chăm sóc trẻ tại nhà.

• Nếu trẻ không có cơn co giật sau 3 ngày ngưng phenobarbital, mẹ có thể cho trẻ ăn sữa được, và trẻ không có vấn đề gì khác phải nằm viện thì cho trẻ xuất viện.
– Thảo luận với gia đình về tiên lượng những diễn tiến của trẻ và cách xử trí những biến chứng đó.
– Theo dõi sát trong 1 tuần các triệu chứng nặng mà gia đình ghi nhận như co giật, khó bú.
– Giúp mẹ tìm ra cách cho trẻ ăn sữa tốt nhất nếu trẻ không bú được, hoặc nếu trẻ bú được nhưng chậm, hướng dẫn mẹ cho trẻ bú thường xuyên hơn.