1. Đường truyền trong xương
Thiết lập đường truyền tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh có thể khó khăn. Trong trường hợp cấp cứu, một lựa chọn tốt tạm thời là đường truyền trong xương sử dụng các khoang xương. Dịch truyền và thuốc có thể được đưa vào bằng đường này.
Rút bỏ đường truyền trong xương ngay khi đường truyền tĩnh mạch khác được thiết lập (trong vòng 8 giờ, nếu có thể). Không lập đường truyền trong xương nếu có nhiễm trùng ngay chỗ truyền hoặc gãy xương. Không cần thiết phải gây mê vì thủ thuật này chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
a. Dụng cụ
• Găng sạch.
• Bông thấm dung dịch sát khuẩn.
• Kim chích xương vô khuẩn hoặc kim 22-G.
• Bộ dịch truyền vô khuẩn với dung dịch truyền tĩnh mạch (sử dụng máy truyền dịch giọt nhỏ nếu có).
• Băng dính hoặc bằng giấy mỏng.
• Bơm tiêm 5 ml.
• Băng thun.
• Nẹp độn bông.
b. Phương pháp
• Chuẩn bị dụng cụ Cần thiết.
• Chuẩn bị dịch truyền, đảm bảo toàn bộ bộ dịch truyền đầy dịch và không có khí.
• Nếu sử dụng kim tiêm dưới da, gắn kim vào bơm tiêm 5 ml chứa 3 ml dịch truyền và đẩy dịch vào kim.
• Xác định vị trí tiêm (đầu tận gần của xương chày hoặc đầu tận xa của xương đùi):
– Vị trí tiêm đầu tận gần của xương chày là 1 cm dưới và 1 cm vào giữa so với lồi củ chày;
– Vị trí tiêm ở đầu tận xa xương đùi là 2 cm trên lồi cầu ngoài.
• Rửa tay và mang găng sạch.
• Chuẩn bị vùng da nơi tiêm bằng cách sử dụng bông thấm dung dịch sát khuẩn đến khi tự khô.
• Đặt chân và đầu gối của trẻ gấp góc 30° và mắt cá chân nằm trên mặt bàn.
• Một tay giữ phần trên xương chày, không đặt tay ngay dưới vị trí tiêm.
• Tay kia giữ kim (kim gắn với bơm tiêm nếu sử dụng kim tiêm thường) vuông góc 90° với vị trí tiêm và góc hơi hướng nhẹ về phía bàn chân.
• Đẩy kim vào với chuyển động xoay liên tục, dùng một lực trung bình, có kiểm soát. Dừng lại ngay lập tức khi có sự giảm kháng lực đột ngột, cho thấy kim đã vào khoảng xương.
• Khi kim đã vào đúng vị trí, rút ống thăm ra (nếu sử dụng kim chích trong xương) và gắn với bơm tiêm.
• Sử dụng bơm tiêm rút dịch kiểm tra để đảm bảo kim đã vào đúng vị trí. Dịch hút có màu giống như máu.
• Bơm từ từ 3 ml dịch truyền kiểm tra trước khi cố định kim:
– Tìm dấu hiệu nốt sưng phồng (cho biết dịch truyền chảy ra vùng dưới da) ở mặt trước chân hoặc trong vùng cơ hoặc mô mềm ở phần sau chân. Nếu thấy nốt sưng phồng, rút kim ra và thử chích lại;
– Nếu bơm dịch vào khó khăn nhưng không có dấu hiệu nổi nốt sưng phồng thì có thể kim đâm vào vỏ xương sau. Rút kim ra khoảng 0,5 cm và cẩn thận tiêm dịch vào lại.
• Nếu không có vấn đề gì, gắn kim vào hệ thống dịch truyền.
• Cố định kim bằng cách sử dụng băng và nẹp chân như trong trường hợp gãy xương đùi, đảm bảo bằng thun không cản trở kim hoặc bộ dịch truyền.
• Kiểm tra vị trí truyền dịch mỗi giờ:
– Tìm dấu hiệu đỏ da hoặc nốt sưng phồng xung quanh vị trí kim hoặc trong bắp chân trẻ, dấu hiệu này cho thấy kim không còn trong tĩnh mạch và dịch truyền đang chảy ra mô dưới da. Bất cứ khi nào thấy dấu hiệu đỏ da hoặc nốt sưng phồng, ngừng ngay dịch truyền, rút kim ra, và thiết lập lại một đường truyền ngoại biên hoặc thiết lập một đường truyền trong xương ở một vị trí khác;
– Kiểm tra thể tích dịch truyền và so sánh với thể tích tính toán, tốc độ dịch truyền có thể thay đổi với sự thay đổi tư thế chân;
– Ghi nhận mọi diễn tiến.
• Rút kim tiêm trong xương ngay khi có đường truyền tĩnh mạch thay thế và trong vòng 8 giờ, nếu có thể.